Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Tác giả: Park Lee Jeong
Dịch giả: Han Gyn
Kích thước: 13 x 20.5 cm
Số trang: 352
Ngày xuất bản: 01/01/2014
Giá bìa: 99.000 ₫
Công ty phát hành: Alphabooks
Nhà xuất bản: NXB Hồng Đức
Giới thiệu
Điều Kỳ Diệu Ở Phòng Giam Số 7 kể về Yong Gu, một người cha bị thiểu năng trí tuệ, hầu như không có gì trong tay ngoài tình yêu vô bờ bến dành cho cô con gái Je Sung. Chỉ vì muốn mua cho con gái chiếc cặp Thủy thủ Mặt Trăng mà Yong Gu bị đổ oan tội giết người, cưỡng dâm trẻ em và bị vào tù cùng án tử hình.
Và tại không gian chật hẹp của phòng giam số 7 ở nhà tù mà Yong Gu bị tống giam, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Ban đầu là nhờ sự trợ giúp của các bạn tù, con gái Je Sung của Yong Gu đã được bí mật đưa vào thăm bố. Nhưng sự việc nhanh chóng bị phát giác bởi sở trưởng trại giam nọ - người ngay từ đầu đã có ác cảm với Yong Gu sau khi biết anh phạm tội giết người, cưỡng dâm trẻ em.
Tuy nhiên, vị trại trưởng, trong quá trình điều tra phát hiện ra Yong Gu bị oan, đã bất chấp mọi quy định của trại giam để đưa cô con gái Je Sung của Yong Gu hàng ngày vào thăm và thậm chí sống với bố trong trại giam, đồng thời nhận Je Sung làm con nuôi. Vậy là từ ngày có Je Sung, phòng giam số 7, từ một nơi chỉ có sự tuyệt vọng và nỗi giày vò, trở nên đầy ắp tiếng cười, khi người với người xích lại gần nhau hơn.
Chỉ tiếc là câu chuyện cổ tích ở trại giam lại không kéo dài khi ngày xét xử Yong Gu cuối cùng cũng đến. Mặc dù được sự hậu thuẫn và yêu thương của tất cả những người ở trại giam nhưng cuối cùng, tình yêu thương vẫn không đủ để thắng được sự bất công và lộng quyền của những người nắm cán cân luật pháp...
Cha không hoàn hảo, nhưng cha luôn yêu con theo cách hoàn hảo nhất. Đây chính là linh hồn của câu chuyện cổ tích: Điều kì diệu ở phòng giam số 7. Một câu chuyện thấm đẫm tình người, tràn ngập tiếng cười và cả những giọt nước mắt.
***
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7
Yong Goo là ông bố bị thiểu năng. Cuộc đời ban tặng cho anh cô con gái thông minh, xinh đẹp Ye Seung. Dù nghèo khổ nhưng hai bố con vẫn luôn vui vẻ, ngày ngày bên nhau, ngày ngày dặn nhau sống tốt. Một buổi tối, bố của Ye Seung không trở về như thường lệ. Vì muốn mua chiếc cặp in hình Thủy thủ Mặt Trăng mà con gái mơ ước, Yong Goo chạy theo một bé gái – là con của Cục trưởng Cục cảnh sát. Trời giá buốt, bé gái vấp ngã và không may qua đời. Yong Goo bị vu oan cho tội bắt cóc, cưỡng dâm, giết người. Anh bị khép tội chết.
Vào tù, Yong Goo ban đầu bị bạn tù khinh mạt, đánh đập. Trại trưởng, người có con trai bị hãm hại, nhìn anh như nhìn hiện thân của tội lỗi... Nhưng Yong Goo đã dùng sự lương thiện và lòng yêu thương con người để hóa giải tất cả. Người ta dần nhận ra rằng kẻ thiểu năng bất chấp sinh mạng để nhiều lần cứu người khác ấy không thể là tội phạm có thể ra tay làm hại một đứa bé. Người trong tù, từ trên xuống dưới dành cho anh yêu mến đặc biệt. Mọi người tìm mọi cách để 2 cha con họ được gặp nhau. Và món quà kỳ diệu ấy đã đến, cô bé Ye Seung bước ra từ 1 thùng giấy. Hai cha con vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ. Phòng giam số 7 từ khi có sự có mặt của đứa trẻ, như trở thành gia đình lớn đoàn kết. Tình cha con cảm hóa những trái tim, rung động cảm xúc gia đình thiêng liêng của những tên tội phạm. Tất cả như tan chảy, khuất phục trước sự thánh thiện, thơ ngây của bé gái. Họ dám làm tất cả những gì trong khả năng của mình để hai cha con được bên nhau. Ye Seung chính là món quà cho phòng giam số 7 và điều kỳ diệu đến cùng em trong căn phòng này.
Nhưng Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 là một câu chuyện cổ tích buồn, Yong Goo bị thi hành án vào đúng ngày sinh nhật con gái. Người cha, sau khi đã quyết định hy sinh tất cả, chấp nhận oan sai để bảo vệ thứ ý nghĩa duy nhất trong thế giới của anh - là cô con gái, cuối cùng vẫn không thể ngăn mình gục ngã và cuống quýt cầu cứu trước giây phút tiễn biệt. Khoảnh khắc người cha van xin ai đó hãy cứu lấy bố con anh và tiếng khóc xé ruột của cô con gái giữa trại giam, chỉ được đáp lại bằng âm vang của bốn bức tường lạnh lẽo chính là khoảnh khắc chạm đến nỗi đau một cách sâu sắc nhất.
Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 như một quả bóng bay chứa đầy mơ ước về cuộc sống đơn giản, bình yên, không chỉ của hai cha con ông bố thiểu năng, mà còn của cả những tù nhân từng một thời lầm lỡ, của người trưởng trại tù luôn chứa chất trong lòng nỗi đau và lòng căm hận. Trên tất cả, truyện tôn vinh tình cảm gia đình thiêng liêng, tình bạn giữa những người cùng cảnh ngộ.
Truyện Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7 đã được chuyển thể thành phim cùng tên và trong lễ trao giải Baeksang vừa qua, nam diễn viên Ryu Seung Ryong (vai Yong Goo) được vinh danh với tượng vàng Daesang (giải quan trọng nhất).
Phần mở đầu: Phiên tòa xét xử số 97-0223
Tỉnh Gyeonggi-do, huyện Ilsan, viên tòa mô phỏng lần thứ 42 của Viện Luật.
Áp phích đã được căng lên và mọi chuẩn bị cho phiên tòa đã hoàn tất. Tôi đặt tay lên ngực và đứng thẳng, cố gắng trấn tỉnh. Tim đập không ngừng, có lẽ do quá lo lắng nên tay tôi đẫm mồ hôi. Tôi nhìn ra phía cửa tòa án, vẫn không có gì khác biệt với những phiên tòa trước đó, phía dưới mọi người đã ngồi kín đặc cả gian phòng và xôn xao tiếng ồn ào bàn tán.
“Xin mọi người hãy yên lặng!”
Sau câu nói ấy, tất cả nhất loạt im phăng phắc, một số chuyển sang trầm ngâm nghĩ ngợi. Thế nhưng suốt từ sáng tới giờ, tim tôi vẫn đập mạnh liên hồi và chưa thể nào bình tĩnh được. Cuối cùng tôi phải chạy vào nhà vệ sinh và rửa mặt bằng nước lạnh. Nhìn mình trong gương, tôi khẽ tự trấn an.
“Bố ơi! Hãy đợi con nhé! Con nhất định sẽ làm được!”
Dù thấy tim mình dịu bớt một cách lạ lùng, nhưng tôi vẫn cố lẩm bẩm như làm theo một mệnh lệnh.
“Nhất định không thể quên! Nhất định không được quên!”
Tôi đã lo sợ trong phiên tòa này mình sẽ quên mất một điều nào đó, vì vậy ngày nào tôi cũng học đi học lại. Nhắm mắt và hít một hơi thật sâu, lòng tôi nhẹ nhõm và đầu óc đã trấn tĩnh trở lại.
Bên ngoài, phiên tòa sắp bắt đầu. Tôi hít thật sâu một lần nữa và quay trở lại.
“Xin tất cả mọi người hãy đứng lên!”
Thẩm phán bước vào và tất cả người dự phiên tòa đồng thời đứng dậy. Tôi chỉnh lại áo và bước vào chỗ của luật sư. Thẩm phán lặng lẽ ngồi xuống, sau đó đến công tố viên. Tôi đưa mắt xuống phía những nhân chứng đang ngồi phía dưới, chúng tôi nhìn nhau rồi cùng ngồi xuống.
Cuối cùng phiên tòa đã thực sự bắt đầu. Tôi đã chờ đợi nó 15 năm nay rồi.
“Phiên tòa xét xử số 97- 0223 - bị cáo Lee Yong Goo bị buộc tội đã bắt cóc và sát hại Choi Ji Young, con gái của Cục trưởng Cục cảnh sát đương nhiệm thời điểm đó, vào ngày mùng 1 tháng 3 năm 1997. Do có đơn kháng cáo nên phiên tòa hôm nay được mở và tiếp tục xét xử.”
Những lời của thẩm phán vừa dứt, đâu đó dưới khán phòng tiếng òa khóc chợt cất lên. Có ai đó cố ghìm mình nuốt nước mắt. Những người bạn tù của bố ngày xưa ấy, những người mà tôi tin tưởng trong suốt 15 năm nay, hôm nay đã đến đây làm nhân chứng. Khuôn mặt đầy lo âu của họ nhìn tôi, khiến tôi thấy nhớ bố đến vô cùng.
Tất cả tài liệu đã được tập hợp đầy đủ.
“Vậy xin mời công tố viên bắt đầu!”
Theo lời của thẩm phán, công tố viên rời ghế đứng dậy, bắt đầu mở các tài liệu của vụ án và đọc bằng những lời lẽ đanh thép.
“Bị cáo Lee Yong Goo đã phạm tội bắt cóc và quấy rối tình dục bé Choi Ji Young, cháu bé vì phản kháng đã bị hung thủ giết hại một cách hết sức dã man. Chứng cứ điều tra cho thấy có nước bọt của hung thủ trên miệng cháu bé, người làm chứng ở hiện trường vụ án lúc đó cũng đã xác nhận với cảnh sát về việc này. Kháng cáo theo đó, không thể coi là có giá trị.”
Tôi khẽ chớp mắt. Những lời buộc tội lạ lùng trên dù bịa đặt, nhưng cũng không hề vô lý. Và nếu tôi là công tố, có lẽ tôi cũng sẽ nói những lời như vậy.
Nhưng tôi là luật sư, dù đứng trước bất kỳ ai, cũng phải nhìn vào tội danh của bị cáo một cách công minh nhất. Tôi là người duy nhất sẽ tháo bỏ nỗi oan ức của thân chủ, Lee Yong Goo. Trước những lời buộc tội hoàn hảo như thế, phải làm thế nào để phản bác lại đây.
“Xin mời phần phản bác của luật sư!”
Tất cả ánh mắt đổ dồn về phía tôi. Tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt đang nín thở chờ đợi bên dưới. Suốt 15 năm qua không phải chỉ có mình tôi chờ đợi, họ cũng rất mong chờ phiên tòa này. Họ đã cố ghìm những căng thẳng trong lòng và nhìn tôi bằng ánh mắt vừa hy vọng vừa có phần lo lắng.
Tôi quay đầu lại phía bàn của chủ tọa phiên tòa. Ngày bé nó đối với tôi chẳng khác gì bức tường thành cao vời vợi, còn giờ tôi chỉ cần đưa tay là có thể với tới. Chẳng cần chuẩn bị thứ gì ghê gớm, tôi bắt đầu cất lời, những câu chữ trong đầu cứ thế tuôn trào.
“Nhìn vào sự việc có thể thấy bị cáo là người không ổn định về thần kinh, nhưng đã không nhận được sự bảo vệ nào từ phía pháp luật. Thêm nữa, tòa cần phải thông qua lời khai của những nhân chứng đã từng cùng sống, cùng sinh hoạt với bị cáo tại phòng giam lúc đó để biết bị cáo là người như thế nào. Và tôi, vì muốn đem tất cả sự thật ra ánh sáng nên mới ngồi vào chiếc ghế luật sư ngày hôm nay…”
Công tố viên vội đưa tay chen ngang.
“Tòa phản đối điều này. Tòa án không phải nơi đem sự thật ra ánh sáng. Đây là nơi xét xử những tội danh đã được định đoạt bằng những chứng cớ minh bạch và những lời khai đã được xác nhận là đúng!”
Tôi đã nghe quá nhiều những lời phản bác thế này đến mức như một sự ám ảnh.
“Tòa án là nơi đem những sự thật được che giấu ra ánh sáng. Hơn nữa, chứng cớ minh bạch và những lời khai đã được xác nhận… Chỉ dùng những thứ đó để kết tội bị cáo, đó chính là sai lầm lớn nhất của vụ án này.”
Tôi nói những lời ấy thoạt đầu chỉ với mục đích ngụy biện, nhưng cũng thật tình cờ, đó lại là sự thật.
Quả nhiên, công tố viên có vẻ đuối lý.
“Thưa tòa, luật sư…!”
“Đã sai ư?”
Tôi hơi bất ngờ vì công tố viên im lặng. Tôi gật đầu và tiếp tục đưa thêm các chứng cứ.
“Vâng thưa quý tòa. Thẩm phán đang thụ lý vụ án bây giờ không phải là thẩm phán được giao lúc đó. Vụ án khác với những vụ việc khác, những người đảm nhận nó đã bỏ qua nguyên nhân sâu xa và công tố viên thì chỉ dựa vào những chứng cớ và ghi chép bịa đặt của cảnh sát khi ấy để đưa ra kết luận. Lợi dụng bị cáo là người gặp vấn đề về thần kinh, những người có quyền lực lúc đó đã bịa đặt ra những bản tường trình sai sự thật, và ép bị cáo phải nhận tội.”
Đó chính là lý do tôi yêu cầu tái thẩm và điều tra vụ án. Và đây chỉ mới là những giây phút đầu tiên của sự chờ đợi suốt 15 năm qua.
Nhưng công tố viên đã nhếch môi cười và hỏi lại. “Vậy luật sư bây giờ có phải là luật sư được giao trước đây không?”
Ở đâu đó phía dưới có tiếng cười. Tôi tự hỏi nếu người ngồi ở ghế thẩm phán là tôi, liệu mọi việc có được minh bạch không? Khi sự việc ấy xảy ra, tôi chỉ là một đứa bé 8 tuổi, mới bắt đầu học bảng cửu chương…
“Luật sư hãy trả lời câu hỏi của công tố viên!”
Thẩm phán nói với giọng khá nhỏ. Tôi hơi bối rối nhưng vẫn trả lời bằng giọng rõ ràng.
“Không phải ạ.”
“Vấn đề chính là ở chỗ đó đấy!”
Công tố viên chỉ đợi tôi trả lời rồi gật đầu quay về phía thẩm phán. Tôi bắt đầu run và mặc dù muốn ngồi xuống ghế, nhưng tôi vẫn đứng thẳng người, đặt tay lên bàn. Và tôi nói những lời từ tận cùng lòng ân hận của tôi khi đó.
“Nhưng tôi đã ngồi ở dưới và xem phiên tòa ngày hôm ấy. Đó là sự thật!”
Công tố viên nhìn thẳng vào dáng vẻ run rẩy của tôi. Thẩm phán ngồi dựa lưng vào ghế, trong mắt đầy ắp sự nghi ngờ.
“Cô nói đã có mặt ở phiên tòa đó sao?”
Thẩm phán ngạc nhiên hỏi lại. Tôi ngẩng cao đầu và trả lời bằng giọng rành mạch.
“Vâng, đúng vậy!”
Phía dưới lại bắt đầu những tiếng xì xầm. Từ cửa sau vài nhà báo lặng lẽ đi vào. Cả thẩm phán, công tố viên và nhân chứng đều bất ngờ khi camera chĩa vào họ. Một số nhà báo mở sổ tay và chuẩn bị tốc ký. Họ muốn ghi chép về phiên tòa hôm nay, có lẽ vì khi phiên tòa kết thúc vụ án sẽ khép lại với một kết quả khác.
Tôi thì chỉ mong phiên tòa đừng kết thúc như một kỳ thi đơn giản. Suốt mấy tháng qua tôi đã thuyết phục và không ngừng gửi email đến những người đang ngồi làm chứng bên dưới. Thoạt đầu, cũng có người không thật sự tin, nhưng sau khi nghe tôi phân tích vụ án và cho xem chứng cớ, họ cũng đã gật đầu đồng ý.
Tòa án này là tiếng nói của những con người yếu đuối nhằm vào những kẻ có quyền lực, cả cảnh sát và những người làm luật tồn tại trên đất nước này. Và với bố của tôi khi ấy, lời buộc tội có khác gì việc bắt một người nhát gan đi dưới trời bão tố.
Tôi đợi cho những tiếng xì xầm phía dưới lắng xuống rồi bắt đầu nói.
“Thưa quý vị, từ bây giờ, tất cả những lời tôi mà tôi nói đều là sự thật.”
Khoảng thời gian đó có thể coi là dài, mà cũng có thể cho là ngắn. Đó là câu chuyện của 15 năm về trước.
Ngày 23 tháng 12 năm 1997, vụ án của bị cáo Lee Yong Goo.
Tôi là Lee Ye Seung, con gái duy nhất của bị cáo.
Chương 1: Người bố trẻ con
Ngày hôm ấy, tuyết rơi.
Tháng 2, năm 1997, bầu trời cuối đông nhuốm một màu lạnh lẽo. Tôi đã nghe tivi báo đây là đợt rét đậm nhất trong vòng 18 năm qua, và người dân sẽ có một kỳ nghỉ khá dài. Nhưng có lạnh đến cắt da cắt thịt đi chăng nữa cũng không thể nào ngăn được tôi và bố.
“Ye Seung à! Nhanh lên con!”
“Chờ con một chút. Không thể để bị cảm cúm được, bố cũng nhanh mặc mặc thêm áo vào đi!”
Tôi nhắc bố và sau đó chúng tôi mặc áo trong thật dày và ấm, đi hai đôi tất để chuẩn bị ra ngoài. Đôi găng tay tôi đeo cả mùa đông giờ đã xuất hiện những chỗ rách khiến gió lạnh lùa vào da thịt, nhưng vẫn còn dùng tốt. Cuối cùng tôi đội mũ len cẩn thận rồi bước ra ngoài. Bố đang đứng đợi tôi trước cửa, với dáng vẻ ngập ngừng, bố chìa tay về phía tôi.
“Chúng ta đi thôi con!”
Bàn tay của bố lớn đến mức có thể ôm trọn đôi tay nhỏ xíu đang đeo găng của tôi. Chúng tôi cứ thế chạy mãi dưới trời đầy tuyết. Tuyết trắng phủ kín những con đường, trên cành cây, ngọn cỏ và rơi cả trên đầu chúng tôi.
Thật khó giải thích tại sao tôi lại có thể nhớ tất cả những thứ xảy ra ngày hôm ấy một cách rõ ràng đến vậy. Trên đường duy nhất chỉ có tôi và bố vừa chạy vừa thở hổn hển. Qua những con ngõ nhỏ, dưới bầu trời phủ sương mờ, những ngọn cây cao về phía cánh rừng trông y như những tòa nhà chọc trời trắng xóa. Hơi thở của chúng tôi phả ra bị gió thổi ngược… Khung cảnh tươi đẹp ấy hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi, như đang tận mắt nhìn thấy vậy.
Từng lớp tuyết nhẹ nhàng phủ lên những con đường mà chúng tôi đã đi qua. Chúng tôi bước vào một khu chung cư mới xây, tôi vừa đi vừa nhảy chân sáo trên những viên đá lát vỉa hè đầy màu sắc. Và bố là người đã phát hiện ra ở đó có một sân chơi.
“Ồ, Ye Seung ơi, con nhìn này!”
Bàn tay to lớn của bố chỉ về chiếc xích đu. Tôi sung sướng chạy đến. Vì hôm ấy trời rất lạnh nên ở đó chẳng có ai ngoài chúng tôi. Chiếc xích đu mà tôi yêu thích đã xuất hiện thật đúng lúc.
“Bố ơi, nhanh lên nhanh lên!”
Thế là chúng tôi cùng nhau chơi đùa. Mỗi khi bố đẩy xích đu, tôi thấy mình như được bay lên bầu trời cùng với bố, cảm giác ấy thật tuyệt diệu. Cho dù gió và tuyết có tạt vào mặt lạnh buốt, tôi vẫn thấy rất vui sướng và chơi không biết mệt.
Tôi vẫn nhớ hôm đó là hai ngày trước khi vào lớp Một. Đúng, chỉ còn hai ngày nữa thôi. Và có vẻ như việc tôi đi học còn khiến bố vui sướng hơn cả tôi thì phải.
Mặc dù chẳng có lời chúc nào từ mẹ nhưng tôi cũng không để tâm cho lắm. Vì dù sao đi nữa, trong tiềm thức của tôi chẳng có chút ký ức nào về mẹ cả. Nếu đột nhiên một ngày nào đó mẹ xuất hiện, có lẽ cả hai chúng tôi sẽ ngượng ngùng và khó xử chết mất.
Gia đình tôi chỉ có hai người thôi, bố và tôi. Nhưng có lẽ thế cũng đủ rồi! Trong căn phòng đơn chật hẹp chỉ đủ để duỗi chân, chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc theo cách của riêng mình.
Thế nhưng có một điều mà tôi cứ lo lắng mãi, nếu tôi đến trường thì ai sẽ chơi với bố đây?
Khi tôi lên bảy, bố đã bắt đầu có những biểu hiện lạ lùng. Và những cư xử, hành động khác thường ấy chỉ tôi mới có thể hiểu được. Nếu đi học rồi, tôi sẽ không thể chơi với bố nữa nên tự hứa với mình trước hôm đó chúng tôi nhất định phải chơi một bữa thật đã đời.
Tôi vừa nghĩ về trách nhiệm to lớn ấy của mình vừa chơi một cách đầy hào hứng bên chiếc xích đu. Bỗng một người phụ nữ xuất hiện, tiến đến chỗ chúng tôi và thốt lên.
“Ồ, quả là một ông bố tuyệt vời đấy nhỉ!”
Tôi đang ngồi đung đưa thì nhận ra có một thằng nhóc đang níu tay người phụ nữ, trong ánh mắt của nó ánh lên sự hiếu kỳ và ghen tỵ.
“Hơ hơ!” Bố tôi ngây ngô cười.
“Anh mới chuyển đến đây à? Chúng tôi ở phòng 104.”
Người phụ nữ tiếp tục hỏi, tôi cũng muốn trả lời nhưng không biết phải nói thế nào, bố thì cứ liên tục đẩy xích đu cho tôi nên cũng không đáp lại.
“Nếu không phải mới chuyển đến thì chắc là đến chơi rồi. Anh thấy chung cư này đẹp không? Nó được thiết kế theo kiểu thân thiện với môi trường đấy.”
“Thân thiện với môi trường?”
Đối với bố, đây quả là một cụm từ quá phức tạp. Thấy bà ta nhíu mày, tôi ngồi trên xích đu nói to. “Nghĩa là tốt cho sức khỏe đấy ạ!”
“À à…!” Bộp bộp bộp... Bố vỗ tay thích thú, rồi vừa cười vừa đẩy mạch chiếc xích đu lên cao hơn nữa. Tôi ngoái đầu lại nhìn và bắt gặp khuôn mặt bố rạng rỡ hơn bao giờ hết. Miệng bố há to và mười đầu ngón tay xòe ra, vỗ vào nhau thích thú.
“Sân chơi tốt cho sức khỏe. Hơ hơ! Thân thiện với môi trường! Thân thiện với môi trường!”
Thật ra mấy từ “thân thiện với môi trường” là gì, có thật sự mang ý nghĩa “tốt cho sức khỏe” hay không, khi ấy tôi cũng chưa hiểu lắm. Bố nghe cụm từ ấy thì chỉ cần biết rằng nó tốt là cứ cười và nói mấy câu ngây ngô như thế. Hẳn bố đang rất hạnh phúc, và tôi cũng bắt chước cười theo…
“Ôi… gì thế này…”
Tôi không để ý thấy người phụ nữ bắt đầu cau có quan sát bố con tôi. Ánh mắt với những thiện cảm ban đầu giờ đã chuyển sang coi thường và khó chịu…
Nụ cười của tôi cũng dần dần đông cứng lại.
Lại nữa rồi… Tôi chợt nghĩ trong đầu và thấy xung quanh bỗng dưng lạnh buốt. Giờ tôi mới cảm nhận được gió đang lùa vào những chỗ hở trên đôi găng tay đã rách của mình. Bố từ từ buông tay, chiếc xích đu chậm dần, chậm dần.
Tôi ngơ ngác khi thấy người phụ nữ ấy mỉm cười nói với con trai. “Kìa con, đến đó mau lên!”
Đứa bé nhanh chân chạy lại chiếc xích đu mà tôi đang ngồi, nắm lấy dây xích và lôi chẳng khác gì thằng ăn cướp buộc tôi phải bước xuống. Đến khi chiếc xích đu đã ngừng lại hẳn, thằng nhóc ấy vẫn không rời tay và quay sang nhìn tôi đắc thắng.
Vậy là trò chơi xích đu của tôi chấm dứt. Chiếc xích đu xinh đẹp tôi vẫn còn chơi khi nãy, tiếng vỗ tay và khuôn mặt ngây ngô của bố…
“Ye Seung à!”
Tôi quay lại thì thấy bố đang dang rộng cánh tay chào đón tôi. Tôi chạy đến ôm chầm lấy bố, đặt tay lên gò má lạnh buốt của ông và được nhấc bổng lên. Tôi lại thấy mình trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất thế gian. Tôi quay sang thè lưỡi nhìn thằng nhóc.
Này, bố mày chắc không bao giờ ôm mày như thế này đúng không? Mày thua tao rồi nhé… Tôi ám chỉ với nó bằng ánh mắt rồi thì thầm vào tai bố.
“Bố ơi, về nhà thôi!”
“Về nhà bây giờ á? Sao về sớm thế?” Bố ngạc nhiên hỏi tôi.
“Con muốn về nhà cơ!”
“Ơ, nhưng mà Ye Seung! Con thích chơi xích đu mà?”
“Nhưng chúng ta không thể chơi cả ngày được! Con muốn chơi trò khác nữa cơ!”
“Thế à? Ye Seung muốn chơi trò khác hả?”
“Vâng ạ!”
Tôi vốn định nói rằng hôm nay tôi chỉ thích chơi xích đu một tẹo thôi, giờ tôi không thích chơi xích đu ấy nữa, thì nước mắt bỗng ứa ra. Tôi cố nén lại vì không muốn bố thấy tôi mít ướt.
Mọi chuyện khi ấy diễn ra như vậy. Chúng tôi đi qua người phụ nữ lạ mặt chưa được bao xa thì không biết từ đâu, một người bảo vệ chạy vội vàng về phía chúng tôi, chỉ tay và nói.
“Sao lại đi vào tự tiện? Khai báo chưa mà được vào, hai người kia?”
Bố vẫn ôm tôi trong lòng, chúng tôi đứng như trời trồng, không nói được lời nào. Chúng tôi chẳng vào đây để ăn trộm, cũng chẳng làm hại ai, chúng tôi không hề vứt rác bừa bãi và cũng không làm hỏng thứ gì. Nhưng tôi biết tại sao người ta lại nhìn bố với ánh mắt như thế. Dù chẳng có lý do gì để người ta coi thường bố cả.
Tôi nhìn người bảo vệ, khuôn mặt đang lộ rõ vẻ khó chịu muốn đuổi cổ chúng tôi ra khỏi đây. Nhưng bố đã hỏi lại.
“Vé vào cửa giá bao nhiêu vậy?”
Đã có lần tôi và bố được vào công viên chơi cùng một đoàn tình nguyện. Có lẽ vì thế nên bố nghĩ nơi này cũng giống như vậy. Gã bảo vệ lẩm bẩm trong miệng.
“Vé vào cửa á? Điên thật rồi mà!”
Tôi ngoảnh lại nhìn khu chung cư và trề môi. Rõ ràng chẳng có tấm biển nào cấm người lạ ra vào cả. Tôi hét lên giận dữ với gã bảo vệ. “Chẳng lẽ chỉ có người ở đây mới được vào chơi thôi sao?”
Ánh mắt của người bảo vệ chuyển từ bố sang tôi. Lần này tôi thấy đằng sau những nếp nhăn nơi khóe mắt, ánh lên sự hiếu kỳ và thương hại.
“Này nhóc, vừa nói gì thế? Ranh con, mấy tuổi rồi?”
“8 tuổi ạ. Nếu không được phép vào đây chơi, xin hãy làm biển báo gần ở cửa đi ạ!” Tôi trả lời rồi tự tuột khỏi tay bố xuống đất, sau đó cúi đầu chào. “Xin lỗi chú! Bố ơi, chúng ta đi thôi!”
Bố vừa nắm đôi tay bé xíu của tôi, vừa ngoảnh đầu nhìn lại sân chơi tiếc nuối. Chợt bố cúi xuống thì thầm vào tai tôi hỏi.
“Ye Seung à, vé vào cửa khoảng bao nhiêu nhỉ? Người được vào phải là người thế nào?” Hẳn gã bảo vệ nghe được, tôi thấy gã chép miệng phía sau mình.
“Chậc chậc! Đần độn mà còn biết thắc mắc cơ đấy…”
Khi ấy tôi ức phát khóc nhưng ngoài chịu đựng ra thì lại chẳng thể làm gì. Vì tôi chỉ là một đứa trẻ, và bố còn trẻ con hơn tôi nhiều.
* * *
Bố tôi mắc bệnh thiểu năng trí tuệ độ hai. Dưới dáng vẻ của một người đàn ông 36 tuổi bình thường là suy nghĩ của một đứa trẻ mới chỉ lên 6 tuổi. Mặc dù biết bố bị bệnh nhưng tôi chẳng thấy bất tiện chút nào. Cũng chẳng chút xấu hổ hay tủi thân gì hết. Hai bố con tôi, tuy vóc dáng khác nhau, nhưng lại như những người bạn cùng trang lứa vậy.
Đối với tôi, bố là cả thế gian này. Mẹ đã qua đời khi tôi mới 3 tuổi. Sau đó nhà chúng tôi còn bị cháy nữa, chẳng biết phải làm thế nào khi thấy bà chủ nhà khóc lóc thảm thiết, tôi chỉ nín lặng và nhìn chăm chăm vào gương mặt bố.
Tưởng chừng những điều ngọt ngào và khờ khạo nhất đều tồn tại trên gương mặt ấy. Mỗi khi kể về mẹ, nước mắt bố đều ứa ra giàn giụa và nụ cười ngờ nghệch lại xuất hiện. Dù trí tuệ không được bình thường nhưng những người thiểu năng như bố cũng chẳng thể che giấu được nỗi buồn đã cố chôn chặt khi nghĩ đến những người thân yêu.
Bố đón nhận cái chết của mẹ với suy nghĩ của một đứa trẻ 6 tuổi. Và việc bị bỏ rơi đã ảnh hưởng rất nhiều đến bố, nó làm ông càng trở nên ngờ nghệch đến lạ lùng.
Hồi đấy gia đình tôi rất nghèo, dù bây giờ cũng chẳng khá hơn… Khi cùng bố đến chỗ làm, ông luôn nắm chặt tay tôi và hét to. “Cẩn thận ô tô, cẩn thận chó cắn nha con.” Mỗi khi như vậy bà chủ nhà đều châm chọc. Bà ấy cũng tốt tính, dù đôi khi có hơi thẳng thắn khiến người khác bực mình.
Trong suy nghĩ của một đứa trẻ 8 tuổi, Ye Seung tôi không hề thấy mình nghèo khó hay bần hàn. Bởi tôi còn có một người bạn, một người bố dịu dàng và yêu thương tôi nhất trên đời này.
Khi làm việc trong siêu thị, bố là một nhân viên vô cùng thật thà. Dù đến bất cứ nơi đâu, gặp bất cứ ai, bố đều cười rạng rỡ. Tính cách lạc quan yêu đời, cùng sự tốt bụng đến ngạc nhiên của bố khiến mọi đồng nghiệp vô cùng yêu quý, cả những lúc tham gia tình nguyện cũng vậy. Ngôi nhà của chúng tôi luôn tràn ngập tiếng cười, và mỗi ngày trôi qua với tôi đều đầy ắp những phút giây vui vẻ.
Nhưng chỉ cần bước ra khỏi nhà, những người lạ mặt sẽ lại tránh né và giữ khoảng cách với ông bố đáng thương của tôi.
“Cái chung cư ấy chẳng đắt tí nào đâu, sau này chúng ta cũng có thể sống ở đó được.”
Tôi thốt lên sau khi bị đuổi ra khỏi sân chơi và đang trên đường trở về nhà. Được bố nắm tay suốt, tâm trạng tôi dần tốt hơn rất nhiều. Bố gật đầu tán thành và cười hớn hở, bố con tôi cứ thế dung dăng dung dẻ suốt cả đoạn đường.
“Nhà chúng ta còn tốt hơn, cái chung cư ấy như chuồng gà ý bố nhỉ?” Nghe tôi hỏi, bố gật đầu lia lịa. Mỗi khi hưởng ứng ai đó bố đều làm thế. “Nhưng… cũng chẳng đúng lắm…”
Dù sao cái chuồng gà cũng không thể sánh với nó. Căn phòng đơn chật hẹp chúng tôi đang sống sao có thể so bì với khu chung cư xa xỉ ấy cơ chứ. Nhưng có vẻ bố vẫn rất thích thú với câu nói ban nãy. Tôi mỉm cười và nắm tay bố chặt hơn, đung đưa dung dẻ.
“Hơ hơ!” Bố cười lớn.
Tôi nhảy chân sáo vui vẻ trên những viên đá lát vỉa hè. Bố thả tay tôi ra và bước theo sau. Dần quên đi việc bị đuổi ra khỏi sân chơi, trước mắt chúng tôi giờ chỉ có con đường phủ đầy tuyết trắng. Hai bố con cùng nhau bước đi, in hằn dấu ấn lên những con đường - bàn chân nhỏ bé của tôi và bàn chân to hơn của bố.
Bất chợt, một bài hát quen thuộc ở đâu đó vang lên… Xin lỗi, tôi không thể nói thật. Giá như khoảnh khắc này chỉ là một giấc mơ…
Hai bố con tôi đột nhiên cùng một lúc quay đầu nhìn lại. A, nhạc quảng cáo bộ phim hoạt hình Thủy thủ mặt trăng yêu thích của tôi mà. Tiếng nhạc phát ra từ bên trong ô cửa kính bày hàng mẫu của một cửa hàng. Tôi nắm tay bố, chạy vội về phía đó, rồi dán mắt dán mũi vào ô kính lạnh buốt ấy để có thể nhìn rõ hơn.
“Oaaaaaaa…”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian